Vận hành nhà máy xử lý nước thải sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên ở TP.HCM
- Người viết: Phan Kim Bảo Ngân lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
Ngày 21-10, ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - đã đến thăm và làm việc tại dự án Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, P.An Phú Đông, Q.12.
Đại diện đơn vị đầu tư, ông Lê Thanh - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Phú Điền - báo cáo dự án nhà máy xử nước thải này hiện đã vận hành xử lý khoảng 10.000 - 15.000m3 ngày đêm trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3 ngày đêm.
Đây là dự án xử lý nước thải đầu tiên của cả nước xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường, đồng thời cũng là nhà máy duy nhất tại VN đến thời điểm này sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho nhà máy hoạt động (công suất từ 1,25 - 1,3MW).
Với việc sử dụng công nghệ sinh học SBR cải tiến không chỉ giúp xử lý tốt các chất ô nhiễm như nitơ, phốt pho trong nước thải mà còn chiếm diện tích đất thấp hơn nhiều so với công nghệ khác.
Hiện tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy khoảng 2,3ha so với Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) cống suất 141.000m3 ngày đêm gần 14ha.
Mục tiêu của dự án này nhằm xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát gồm quận: Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12 với dân số khoảng 700.000 người vào khoảng năm 2025.
Dự án hoạt động cũng nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước vệ sinh môi trường khu vực, nâng cao điều kiện sống cho nhân dân trong khu vực. Nhà đầu tư này cũng cho biết đang nghiên cứu đề xuất sử dụng bùn thải sau xử lý để giảm chi cho xử lý bùn thải, bởi theo quy định hiện hành ngân sách TP phải chi trả.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hệ thống thu gom nước thải chưa đồng bộ (thuộc một dự án khác) nên lượng nước chỉ về khoảng 10-15% so với thiết kế.
Theo ông Sử Ngọc Anh - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, dự án thu gom nước về nhà máy thuộc dự án 500 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Tuy nhiên, hiện Ngân hàng Thế giới và UBND TP thống nhất không sử dụng nguồn vốn trên nên dự án thu gom nước thải chưa kịp đầu tư đồng bộ.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đánh giá cao sự nỗ lực của nhà đầu tư, hiệu quả dự án mang lại. Để việc không đồng bộ kéo dài gây lãng phí, ông Liêm yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối với các đơn vị liên quan sớm triển khai đầu tư kết nối hệ thống thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý này.
Ông Liêm cũng lưu ý các sở ngành có thể giới thiệu rộng rãi mô hình xử lý nước thải này cho những lưu vực khác.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công nghệ của dự án xử lý nước thải này, đặc biệt là xử lý nước thải đạt loại A, ít chiếm diện tích đất.
"Nhiều người nghĩ công nghệ mới chi phí đầu tư đắt đỏ hơn nhưng thực tế không chỉ diện tích chiếm đất ít, chi phí đầu tư ít mà còn hiệu quả hơn so với các dự án sử dụng công nghệ khác" - ông Nhân kết luận.
Để tháo gỡ các khó khăn, ông Nhân chỉ đạo đến ngày 30-10 nhà đầu tư báo cáo đầy đủ những vướng mắc. Bên cạnh đó, ông Nhân đề nghị UBND giao các sở ngành thúc đẩy các dự án kết nối để nhà máy sớm đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nhân gợi ý có thể nhà đầu tư tiếp tục bỏ chi phí đầu tư này và TP sẽ trả lại sau.
Dù đánh giá cao công nghệ trên nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tiếp theo phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
"Mặc dù nhà máy hiện nay chỉ xử lý 10% nước thải nhưng Sở Tài nguyên và môi trường vẫn phải giám sát các thông số về môi trường, mở cửa cho người dân tham quan để cùng giám sát" - ông Nhân chỉ đạo.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ online
Viết bình luận